Cát tặc Cát tặc và sự kiện bán cát Việt ra nước ngoài 2017

Thống kê cho thấy trong năm 2016 có tổng cộng hơn 2.000 vụ khai thác cát trái phép bị xử lý, nhưng số vụ khởi tố hình sự rất ít.[12] Chính phủ và Thủ tướng đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo để chấn chỉnh tình trạng khai thác cát trái phép, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, đến nay hoạt động khai thác cát sỏi vẫn diễn biến phức tạp, chưa được ngăn chặn hiệu quả.[6]

Nguyên nhân

Trong cuộc họp về tình hình khai thác cát trái phép chiều 7-3, theo Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng này trước hết là do cấp ủy, chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, xử lý vi phạm thiếu nhất quán, không đủ răn đe... Ngoài ra theo ông, “Chúng ta cũng phải thấy một thực tế là có những vi phạm diễn ra công khai, ban ngày, liên tục nhưng vẫn không bị xử lý gì. Có thể có tình trạng cơ quan chức năng, chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, bao che, thậm chí có dấu hiệu bảo kê cho tội phạm." Đằng sau các hoạt động khai thác trái phép lại có bóng dáng của tội phạm, tổ chức bảo kê cho hoạt động này” [12]

Thượng tướng Lê Quý Vương, thứ trưởng Bộ Công an, cho biết có cả bóng dáng “xã hội đen” đứng đằng sau các chủ tàu khai thác cát trái phép, thực tế đã có vụ bắt tàu vi phạm thu giữ được mấy khẩu súng. Ngoài ra ông cho biết, những vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực này không chỉ cát tặc, tức là khai thác cát trái phép, mà có cả các doanh nghiệp được cấp phép, có thu thuế hẳn hoi.[12]

Cát tặc ở một số tỉnh miền Bắc

Theo báo Tuổi Trẻ trên các sông như sông Hồng, sông Đà, sông Lô... đều có các tàu hút cát trái phép hoạt động liên tục.

  • Trong nhiều tháng, người dân sinh sống dọc tuyến sông Hồng chảy qua địa bàn các huyện Vũ Thư, Hưng Hà của tỉnh Thái Bình chứng kiến hàng nghìn mét vuông cát ở ven sông bị lấy mất, đồng thời bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn ầm ĩ từ các tàu hút cát.

Ngày 17-3, tại khu vực các xã Độc Lập, Minh Tân, thị trấn Hưng Nhân của huyện Hưng Hà, dù mưa tương đối lớn nhưng vẫn có đến hàng chục tàu hút cát cắm vòi dọc trên tuyến sông dài chỉ vài kilômet. Ông Hứa Văn Lý - công an viên của xã Minh Tân - nói do có mưa nên mới ít hẳn đi, ngày thường có đến 30 - 35 tàu với sức chứa hàng trăm mét khối cát. Việc khai thác cát tràn lan khiến toàn bộ bãi sông (dài hơn 1 km) sạt lở nghiêm trọng, có đoạn sạt lở 5 - 10m, nhiều đoạn lở sâu vào 20 - 25m nên nhiều thửa đất của bà con biến mất trong thời gian ngắn. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - phó chủ tịch UBND xã Minh Tân, tàu “cát tặc” hoạt động mạnh trong khoảng 4 tháng trở lại đây khiến hệ thống đê kè chắn lũ và ruộng của người dân bị thiệt hại nặng.

Tại Hòa Bình, cách chân thủy điện Hòa Bình khoảng 2 – 3 km (thuộc khu vực các phường Tân Hòa, xã Trung Minh, TP Hòa Bình), có nhiều tàu hút cát trái phép hoạt động rầm rộ.

Việc tương tự cũng xảy ra tại sông Lô thuộc xã Bình Bộ (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Ông Lê Anh Văn, phó chủ tịch UBND xã Bình Bộ, cho biết năm 2010, một doanh nghiệp được tỉnh Phú Thọ cấp phép khai thác cát làm khoảng 6ha diện tích đất nông nghiệp bị cuốn trôi.[15]

Vụ lãnh đạo Bắc Ninh bị đe dọa

Theo UBND tỉnh Bắc Ninh, năm 2014, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 3 dự án nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm. Riêng dự án tại sông Cầu trong quá trình triển khai đã xảy ra việc lợi dụng thực hiện dự án để khai thác cát trái phép. Bên cạnh đó, “cát tặc” lộng hành và ảnh hưởng của việc khai thác dự án đã làm đê hữu Cầu, bờ bãi sông bị sạt lở đứng thành với chiều dài 50m, ăn sâu vào bãi từ 5 đến 10 mét. Địa phương này phải bố trí 30 tỉ đồng từ nguồn kinh phí của tỉnh để xử lý sự cố trên. Do vậy, từ năm 2015, UBND tỉnh Bắc Ninh đã không cấp phép cho đơn vị nào thực hiện dự án như trên.

Tuy nhiên, từ tháng 11-2016 đến nay, trên địa bàn sông Cầu thuộc tỉnh Bắc Giang đã xuất hiện lại việc thực hiện dự án nạo vét, gây bức xúc cho nhân dân trong tỉnh, gây mất an ninh tại nhiều xã trên địa bàn huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Mỗi ngày có khoảng 40 tàu hút cát vận hành cả ngày lẫn đêm. Tỉnh do đó đã kiến nghị dừng dự án. Tuy nhiên, tỉnh Bắc Ninh lại nhận được văn bản của Bộ GTVT và Cục Đường thủy nội địa về việc thực hiện dự án nên UBND tỉnh Bắc Ninh tiếp tục kiến nghị Thủ tướng cho dừng dự án này và cả kiến nghị Thủ tướng “chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc điều tra nguyên nhân sự việc, điều tra các cá nhân từ trung ương đến địa phương đứng sau bảo kê, đe dọa cán bộ chuyên môn, lãnh đạo Sở, ngành và chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh làm sự việc ngày càng trở nên nghiêm trọng”.[16]

Có sự mâu thuẫn giữa Bộ Giao thông Vận tải và tỉnh Bắc Ninh. Cục Đường thủy nội địa thuộc Bộ Giao thông Vận tải khảo sát trên sông Cầu thấy có 11 điểm cạn nhưng Bắc Ninh khẳng định không có điểm cạn nào. Bắc Ninh lại cho rằng việc nạo vét, thông luồng đường thủy nội địa trên sông là không cần thiết vì khảo sát của các ban, ngành và tỉnh cho thấy đã đáp ứng điều kiện. Theo tỉnh Bắc Ninh, Cục Đường thủy nội địa vẫn cố tình chấp thuận dự án để nạo vét là rất vô lý.[17]

Ngày 17-3, lãnh đạo Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc cho biết đã tạm đình chỉ công tác 3 thanh tra giao thông đường thủy để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép ở Bắc Ninh. Qua đó, theo thông tin báo chí đưa, người dân phản ánh mỗi ngày có 40-60 tàu khai thác cát tại khu vực dự án trong khi dự án tạm dừng từ 5-12-2016. Mặc dù vậy cho đến nay đơn vị quản lý địa bàn không báo cáo lên Cục, không xử lý vi phạm gì cả.[18]

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết sau khi UBND tỉnh Bắc Ninh có văn bản gửi Thủ tướng và Bộ GTVT đề nghị tiếp tục tạm dừng thực hiện dự án trên, Bộ GTVT đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bắc Ninh vào ngày 16-3 thống nhất tạm dừng thi công dự án.[19]

Ngày 1-4, công an cho biết hiện 2 nghi phạm thừa nhận hành vi nhắn tin đe doạ vào số điện thoại của ông Nguyễn Tử Quỳnh, chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã bị tạm giữ. Ngoài ông Quỳnh, nhiều lãnh đạo, cán bộ khác của UBND tỉnh Bắc Ninh cũng nhận được tin nhắn đe doạ.[20]

Khai thác cát trên địa bàn Đồng Nai

Sáng 18-3, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phê bình: “Bộ Giao thông vận tải cấp phép, địa phương cấp phép cho nạo vét tận thu rồi buông lỏng quản lý nên phải tạm ngưng và kiểm soát cho tốt. Dùng vòi rồng hút cát thì sông nào chịu nổi”. Ông lưu ý bộ ngành và tỉnh Đồng Nai phải kiểm soát các công trình trái phép trên sông và bảo vệ môi trường nước sông Đồng Nai, Thị Vải.[21]

Theo báo Người Lao động, hàng chục dự án khai thác cát do tỉnh Lâm Đồng cấp phép, cùng lúc là các dự án của tỉnh Đồng Nai diễn ra rầm rộ đã khiến sông Đồng Nai đoạn thượng nguồn giáp 3 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước tan hoang. Một phần đất đai, vườn tược của người dân cũng như Vườn Quốc gia Cát Tiên bị kéo tuột xuống sông.[22]

Ông Nguyễn Văn Diện, Giám đốc Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên, cho biết việc khai thác cát đã gây sạt lở và làm mất hàng ngàn mét vuông đất của VQG diễn ra nhiều năm nay. Ngay cả đoạn sông gần văn phòng của VQG cũng bị sạt lở nghiêm trọng. Nhiều thảm thực vật, cây gỗ bị cuốn và nhấn chìm xuống sông. Không chỉ có “cát tặc”, mà ngay những đơn vị được cấp phép khai thác cát cũng gây sạt lở. Giữa năm 2015, hạt kiểm lâm phối hợp với Phòng Khoa học kỹ thuật và Phòng Hợp tác quốc tế (đều thuộc VQG Cát Tiên) tiến hành kiểm tra đất ven sông Đồng Nai, từ khu vực Trạm kiểm lâm Đà Cộ đến Trạm kiểm lâm Đà Lắc. Theo đó, trên đoạn đường sông dài 14 km do VQG quản lý đã xác định 18 vị trí bị sạt lở với tổng diện tích 13.800 m2 (có điểm sạt lở đến 2.640 m2) Theo VQG Cát Tiên các vị trí sạt lở có mức độ khác nhau nhưng nguyên nhân chính là do khai thác cát dưới lòng sông quá lớn làm cho dòng chảy bị thay đổi, tạo thành những hàm ếch lớn phía bên dưới và gây sạt lở đất bên trên.[23]

Theo Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai, hiện trên địa bàn tỉnh có 6 đơn vị được cấp phép khai thác cát (chưa kể 15 giấy phép nạo vét, tận thu do Bộ GTVT cấp - NV) trên sông Đồng Nai.[23]

Hút cát Cửa Đại

Đầu năm 2017, tỉnh Quảng Nam chủ trương cho nạo vét cửa sông Cửa Đại (TP Hội An) để khơi thông luồng lạch, vừa để cứu bờ biển Cửa Đại sạt lở. Trong đó, có hợp đồng thành tiền đến 60 tỉ đồng.[24] Thế nhưng, một số DN đã ngầm lợi dụng các dự án này đưa hàng chục tàu khổng lồ vào hút cát trộm đến cả triệu khối, để bán cho các dự án lấn biển ngoài TP.Đà Nẵng, trục lợi cả tài nguyên lẫn tiền ngân sách...[25]

Bảo kê khai thác cát ở Hà Nội

Đêm 7 rạng sáng 8-11-2014, khoảng 200 cán bộ, chiến sĩ gồm các lực lượng cảnh sát hình sự, CSGT đường thủy, CSCĐ và các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đã bao vây toàn bộ khúc sông Hồng chảy qua địa bàn huyện Phúc Thọ, bắt giữ 51 tàu gồm 21 tàu cuốc (chuyên dùng để hút cát) và 30 tàu chuyên chở, cùng nhiều đối tượng hoạt động theo hình thức xã hội đen, bảo kê việc khai thác cát tại đây. Cơ quan công an thuộc chuyên án do Bộ trưởng Bộ Công an, đại tướng Trần Đại Quang chỉ đạo, sau khi triệt phá ổ nhóm khai thác cát trái phép, có dấu hiệu bảo kê trên địa bàn này, đánh giá, mỗi ngày, các tàu hút cát trên sông Hồng, đoạn qua địa bàn huyện Phúc Thọ (Hà Nội) khai thác trái phép khoảng 2.000m3 cát, trị giá khoảng 1 tỉ đồng. Hoạt động này được thực hiện dưới sự bảo kê của một ổ nhóm đối tượng cộm cán trên địa bàn.[26]

Trong tháng 4 năm 2017, báo cáo chi tiết về tình hình hoạt động khai thác cát tại các tuyến sông trên địa bàn thành phố Hà Nội, Phòng cảnh sát môi trường (PC49) Công an thành phố Hà Nội cho biết Hà Nội còn 82 tụ điểm có hoạt động khai thác cát diễn biến phức tạp, có 17 đối tượng nghi vấn bảo kê, thuộc dạng “anh chị” chỉ đạo tại các bến, bãi vận chuyển, khai thác cát, sỏi trên các tuyến sông. Trong 4 tháng đầu năm 2017, PC49 Công an Hà Nội đã phối hợp với công an quận, huyện, thị xã và Cảnh sát đường thuỷ kiểm tra, xử lý 85 vụ với 124 đối tượng, trong đó tạm giữ 72 phương tiện tàu thuyền các loại, tịch thu 1 tàu, xử phạt vi phạm hành chính hơn 1 tỉ đồng.[27]

Vận chuyển cát không giấy tờ

4h sáng ngày 30-6-2017, tổ tuần tra của đồn biên phòng Long Hòa đã bí mật áp sát và kiểm tra 8 sà lan vận chuyển cát nhưng không có hóa đơn chứng từ. Trước đó, khoảng 2h30 sáng ngày 29-6, biên phòng Long Hòa cũng đã phát hiện 3 sà lan chở cát tại khu vực phao số 11 sông Soài Rạp. Mỗi sà lan này có trọng tải từ 500 - 700 tấn.[28]

Bắt tàu hút cát trái phép

Trưa 27-11-2017, Đội Cảnh sát đường thủy tỉnh Quảng Nam cho hay vừa bắt quả tang 6 tàu khai thác cát trái phép trên sông Thu Bồn đã hút trộm với tổng khối lượng cát hơn 200 m3, ngày 2 tháng 12 2 tàu sắt bi bắt với khoảng 50 m3, ngày 30 tháng 12 cũng bắt được 6 tàu khác hút trộm gần 300m3.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Cát tặc và sự kiện bán cát Việt ra nước ngoài 2017 http://www.nguoi-viet.com/viet-nam/mafia-kiem-soat... http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/ong-truong-tr... http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/cua-dai-quang... http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/cat-tac-long-... http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/rut-ruot-tai-... http://thanhnien.vn/thoi-su/khai-thac-cat-tan-pha-... http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/tieu-diem/20170508/n... http://tuoitre.vn/tin/can-biet/20170503/khai-thac-... http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20170302/ca... http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20170302/du...